TT – Đồ phế thải nhựa, gồm cả bơm tiêm, dây truyền dịch còn dính máu… đều là nguyên liệu để chế biến hạt nhựa. Dân trong nghề gọi hạt nhựa là “hàng giống” để sản xuất đủ thứ loại hàng gia dụng như chén, đĩa, bình, cốc…
Ẩn họa đồ nhựa tái chế từ rác y tế
Bài 1:
Ở Hà Nội, người dân làng Triều Khúc (Thanh Trì) đang phất lên bởi nghề tái chế hạt nhựa từ hàng phế phẩm. Sau khi Cục Cảnh sát môi trường triệt phá đường dây cung cấp rác thải y tế từ Bệnh viện Việt – Đức (Hà Nội), chủ cơ sở sản xuất hạt nhựa ở đây đã có phần cảnh giác hơn. Dù công việc làm ăn không còn thoải mái như trước nhưng mối mang vẫn còn, hàng phế thải nhựa vẫn được đưa về làng Triều Khúc để các ông chủ tiếp tục sự nghiệp làm giàu.
Rác thải y tế được nhập về tại một cơ sở sản xuất hạt nhựa tái chế ở làng Triều Khúc. Ảnh M.Q.
Đẳng cấp nhựa “phế”
K., một trong những chủ cơ sở sản xuất có tiếng của làng Triều Khúc. Ngôi nhà cũng là xưởng nhựa tái chế của K. nằm sâu trong làng, lúc nào cũng hầm hập hơi đốt lò và mùi nhựa cháy khét lẹt. Khoảnh vườn chật chội trước ngôi nhà la liệt những bao đựng chai lọ nhựa bị đập bẹp dúm dó, trên nền đất còn vương vãi vài ống bơm tiêm vừa được đem về.
Vi khuẩn gây bệnh chỉ chết ở 1.0000C Đại tá Lương Minh Thảo – phó cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an – cho biết: để nấu nhựa, tái chế nhựa chỉ cần nhiệt độ 3000C. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia y tế, có những loại vi trùng, vi khuẩn gây bệnh rất “cứng đầu”, chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 1.000-1.2000C. Do đó, mầm bệnh từ các loại vi khuẩn nằm trong chất thải bệnh viện (BV) có thể tồn tại đến tận khi trở thành sản phẩm nhựa tiêu dùng. Qua điều tra tại 36 BV đóng trên địa bàn Hà Nội gồm 21 BV trung ương, 6 BV do TP quản lý và 9 BV chuyên ngành thì mỗi ngày trung bình 1 giường bệnh thải ra khoảng 2,27kg rác, trong đó có tới 25% là rác thải nguy hiểm. Cả nước có 1.000 BV mỗi ngày thải ra 230 tấn rác, 30 tấn trong số này là rác thải độc hại. |
K. niềm nở dẫn khách thị sát một vòng quanh xưởng tái chế nhựa của mình, vừa để quảng cáo công nghệ, đồng thời tranh thủ giới thiệu mặt hàng. Đến kho hàng, K. sục tay vào bao hàng chất trên cùng bốc ra một vốc hạt nhựa trong veo nhỏ cỡ hạt đỗ xanh, rồi nói: “Hàng bọn anh vừa cho ra đấy, chất lượng không thua gì hạt nhựa xịn nhập ngoại đâu”. K. giải thích: loại hạt nhựa này được tái chế từ hàng nhựa HD (high density, loại hàng nhựa cao cấp), có độ dẻo và mềm. K. tiết lộ đồ nhựa y tế được dân thu gom nhựa phế chuộng hơn cả.
Nguyên do là bơm tiêm, dây truyền dịch, các loại chai, lọ nhựa y tế hầu hết đều được sản xuất từ hàng nhựa HD 100% nên chất lượng nhựa thuộc loại cực tốt, có thể dùng để tái chế những mặt hàng yêu cầu phải sử dụng nhựa HD. Theo đơn giá của thị trường làng Triều Khúc, một ký pittông bơm tiêm đã bóc cao su (loại HD xấp xỉ 100%) chưa qua tái chế có giá khoảng 18.000 đồng. Trong khi đó, việc nhập bơm tiêm thải ra từ các bệnh viện chỉ với giá 6.000 đồng/kg. Đối với cơ sở sản xuất đồ nhựa, nếu nhập một ký hạt nhựa HD nguyên phải mất 24.000-30.000 đồng, việc nhập hạt nhựa HD đã qua tái chế rẻ hơn cả chục ngàn đồng.
Ngoài bơm tiêm thì dây truyền dịch, lọ nhựa cũng thuộc dòng nhựa HD cao cấp, nên giá thành đắt không kém. Các loại nhựa phế còn lại (chủ yếu nhựa màu dòng PP – polypropylene) gồm xô chậu nhựa, ghế nhựa… bị đánh giá là hàng loại hai nên giá thành thấp hơn, chừng 14.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hàng này có đặc điểm phù hợp với việc sản xuất dây đai, dây thừng, bao tải nên cũng là mặt hàng “hái ra tiền” của cư dân Triều Khúc.
“Công nghệ” sản xuất hạt nhựa
Nói là công nghệ cho oai chứ thực tế việc sản xuất của làng Triều Khúc chủ yếu chỉ dựa vào mấy chiếc máy nghiền nhựa phế phẩm. Nhà nào cao cấp thì mới có dây chuyền sản xuất hạt nhựa các loại để cung cấp cho các cơ sở sản xuất đòi hỏi nguyên liệu chất lượng tốt. Cả làng có gần 200 hộ làm hàng nhựa nhưng chỉ non nửa có đủ dây chuyền để gia công hạt nhựa. Với các loại nhựa phế phẩm như bàn ghế, xô, chậu nhựa… thì việc xử lý khá đơn giản, thợ chỉ cần đập vụn để dễ dàng cho vào máy là xong.
Đối với hàng y tế, công nghệ phải cầu kỳ hơn một chút. Theo cách hướng dẫn của K.: bơm tiêm bắt buộc phải tháo bỏ cao su trong pittông; dây truyền dịch phải tháo đầu nhựa; bình nhựa truyền phải bóc tem, phân loại nắp riêng, bình riêng. Đám thợ học việc không có bất cứ thứ dụng cụ bảo hộ nào ngồi hí hoáy bóc cho hết cao su, tem nhựa của mỗi loại chai lọ. Có những dây truyền dịch vẫn còn dính máu, khô kít lại nhưng đều không cần rửa. Tất cả sau đó được úp một mẻ vào máy và chỉ dăm mười phút sau sẽ cho ra nhựa nghiền. Sau đó mới tẩy uế bằng cách rửa xà phòng, phơi khô và đóng bao để xuất.
Trong gian bếp nhỏ cạnh nhà, lò nấu nhựa của K. đang đỏ lửa. Nguyên liệu nhựa đã nghiền nhỏ được đổ từng mẻ vào lò nấu, nhựa nóng trên 1000C bắt đầu chảy ra theo các khuôn ống dây dẫn (có đường kính khoảng 2-3mm). Những ống dẫn này được chạy qua hệ thống làm lạnh bằng nước lã nhằm định hình các dây nhựa trước khi đưa đến máy cắt. Tại đầu máy cắt, dây nhựa được cắt thành từng đầu mẩu có kích thước khoảng 2mm, thành các hạt nhựa thành phẩm có thể đóng bao xuất ra ngoài. Với việc nấu hạt nhựa thành phẩm, giá hàng của K. tăng lên 2.000-3.000 đồng/kg.
Theo lời kể của K., làng Triều Khúc phất lên nhờ nghề làm nhựa phế thải gần chục năm trở lại đây. Hai xóm làm hàng nhựa của làng Triều Khúc là xóm Lẻ và xóm Án, nhà nào làm lớn có ôtô tải chuyên xuất nhập hàng về sản xuất, nhà nào bé thì nhập từ các đầu nậu, rồi cũng xuất cho đầu nậu cung cấp cho các xưởng đồ nhựa. Cả làng chỉ duy nhất có nhà anh V. sản xuất mắc áo bằng nhựa, còn lại chỉ thực hiện đúng một khâu của dây chuyền tái chế sản phẩm nhựa, đó là sản xuất hạt nhựa từ đồ nhựa phế phẩm.
MINH QUANG – TRỌNG PHÚ
————-
Ngày 13-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã có chuyến thị sát Xí nghiệp xử lý chất thải y tế Cầu Diễn, Hà Nội. Ông Triệu nói với Tuổi Trẻ ngay sau khi kết thúc chuyến thị sát:
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu.
– Tôi đánh giá việc chấp hành qui chế thu gom, xử lý rác thải độc hại đang tốt lên. Riêng tuần vừa qua, số lượng rác độc hại đưa về xử lý tại lò hủy của Xí nghiệp Cầu Diễn đã tăng lên.
* Số lượng rác được đưa đến đốt tại lò xử lý rác thải tăng lên, tức là đồng nghĩa với việc trước đây đã có rất nhiều rác thải y tế độc hại bị thất thoát?
– Phải sau khi thanh tra kết thúc mới có thể kết luận việc này. Thanh tra lần này là liên ngành, có Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên – môi trường, Bộ Công an tham gia, do hai thứ trưởng đứng đầu hai đoàn. Kiểm tra liên bộ sẽ có đánh giá khách quan. Tôi mong có kết quả thanh tra, sẵn sàng sai đâu sửa đấy, yếu chỗ nào chữa chỗ ấy…
* Xin nhắc lại, chuyện rác thải được đưa đi xử lý tăng lên đột biến sẽ nói lên điều gì?
– Tăng lên thôi…
* Ông vừa nói đến việc sẽ thanh tra tại Hà Nội và TP.HCM về quản lý chất thải y tế. Thanh tra sẽ được tiến hành ra sao, thưa ông?
– Thanh tra sẽ xem “nhật ký” ở các lò đốt xem tình hình xử lý rác thải hằng ngày; xem xét các bệnh viện đã ký hợp đồng với công ty môi trường đô thị để xử lý rác độc hại hay chưa; kiểm tra việc quản lý rác thải y tế ở các bệnh viện, kể cả bệnh viện tư nhân, trách nhiệm quản lý ở các cơ sở… Hiện giá đốt rác thải y tế là 8.000 đ/kg, tương lai có thể tìm công nghệ mới để hạ giá thành.
LAN ANH thực hiện
(http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/219944/dot-nhap-lang-nhua-tai-che.html#ad-image-0)