Chất thải y tế bị bán trộm để tái chế

Người Lao Động – Xi lanh, dây truyền dịch, lọ đựng thuốc… không hề khử trùng được đem bán để làm đồ tái sinh. Người ta xem thường một nguồn lây bệnh cực kỳ nguy hiểm. Thông tin từ Cục Cảnh sát Môi trường (C36) cho biết thời gian qua, tại một số bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội đã có những sai phạm nghiêm trọng đối với việc xử lý chất thải rắn và nước thải

Không tiêu hủy mà bán kiếm lời

Theo C36, mới đây, lực lượng chức năng đã theo dõi và phát hiện từ BV Việt Đức đã có hàng trăm kg chất thải y tế (lọ, vỏ thuốc bằng nhựa, xi lanh, dây truyền dịch bằng nhựa, lọ thuốc thủy tinh… ) qua sử dụng bán cho bà Phạm Thị Vân tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm và bà Triệu Thị Quý tại thôn Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì (Hà Nội). Trong đó, có nhiều chất thải còn dính dịch màu đỏ chưa qua khử trùng và diệt khuẩn.

Qua khai thác tại hộ bà Vân và bà Quý, đầu mối bán chất thải rắn của BV Việt Đức là Khoa Chống nhiễm khuẩn.

Từ nguồn chất thải này, hai hộ sẽ nghiền thành hạt nhỏ rồi bán lại cho các hộ tái chế đồ dùng nhựa.

Kể từ năm 2002, Khoa Chống nhiễm khuẩn đã bán cho riêng hộ bà Vân và Quý hàng trăm tấn chất thải y tế, với giá bán chất thải nhựa là 6.000 đồng/kg; chai, lọ thủy tinh nhỏ là 1.500 đồng/kg và 300 đồng/kg đối với chai, lọ thủy tinh lớn.

Theo nhìn nhận của cơ quan chức năng, việc bán chất thải y tế nguy hại của BV Việt Đức là rất nguy hiểm, vì từ nguồn chất thải nguy hại này, các hộ sản xuất đã tái chế thành đồ dùng sinh hoạt.

Kết quả nghiên cứu khẳng định, vi trùng gây bệnh chỉ bị triệt tiêu ở nhiệt độ cao, thậm chí là trên 1.000 độ C, trong khi đó, nhiệt độ các lò nấu tái chế nhựa chỉ là 300-500 độ C. Đặc biệt, một số chất thải nhóm A có nguy cơ lây nhiễm cao (máu, dịch của người bệnh HIV/AIDS, đờm của người bệnh lao…) cần phải diệt khuẩn ngay trước khi vận chuyển đi tiêu hủy. Đáng tiếc, sự nguy hại này đã bị một số cán bộ BV Việt Đức xem thường.

Còn nhiều bệnh viện sai phạm

Quy chế quản lý chất thải y tế nêu rõ: “Giám đốc, người phụ trách cơ sở y tế chịu trách nhiệm về quản lý chất thải y tế nguy hại từ khi chất thải phát sinh tới khâu tiêu hủy cuối cùng”. Vì vậy, sai phạm của Khoa Chống nhiễm khuẩn trước hết thuộc về Ban Giám đốc BV Việt Đức.

Lãnh đạo BV Việt Đức đã thừa nhận sai sót trong quản lý chất thải y tế nguy hại trong thời gian qua.

Ngay sau sự việc, Thanh tra Cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) đã có yêu cầu xử phạt BV Việt Đức từ 20-30 triệu đồng do vi phạm các quy định về quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải.

Ngoài ra, Cục Bảo vệ môi trường cũng cho rằng BV Việt Đức đã vi phạm quy định pháp luật về môi trường khác là chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường và chưa có hệ thống xử lý nước thải.

Ngoài BV Việt Đức, C36 cũng đã xác định hàng loạt BV (Bạch Mai, Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Đống Đa, Xanh Pôn Thanh Nhàn…) đã không thực hiện đúng quy chế xử lý chất thải y tế. Hiện, C36 đang tiếp tục làm rõ việc xử lý, vận chuyển, mua bán chất thải y tế nguy hại tại các BV trên địa bàn Hà Nội.

Cho nghỉ việc nhân viên sai phạm

Chiều 28-8, Giám đốc BV Việt Đức, ông Nguyễn Tiến Quyết, khẳng định không có chuyện BV bán rác thải y tế ra ngoài, nếu có thì chỉ là bán vỏ carton của các thùng thuốc hoặc chai truyền dịch đã vô trùng.

Theo ông Quyết, BV Việt Đức giao cho Khoa Chống nhiễm khuẩn thu gom, phân loại tất cả các loại rác thải y tế trong BV, việc xử lý rác thải y tế đã được BV ký hợp đồng với Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp -y tế, để thu gom, vận chuyển và xử lý. Khoảng 2- 3 ngày, ô tô của xí nghiệp đến nhận tất cả các loại rác thải y tế. Việc giao nhận được giao cho bà Hương- nhân viên của Khoa Chống nhiễm khuẩn, cùng một nhân viên ở phòng quản trị, một nhân viên kế toán tham gia cân, viết hóa đơn và bàn giao cho nhân viên của Công ty Môi trường đô thị.

Bà Hương là nhân viên hợp đồng của BV Việt Đức. Ngay sau khi xảy ra sự việc này, BV đã cho bà Hương thôi việc. Đồng thời, giao cho bảo vệ giám sát việc vận chuyển, bàn giao rác thải y tế cho Công ty Môi trường đô thị.

Ông Quyết khẳng định rằng rác thải y tế, đặc biệt là kim tiêm, dây truyền dịch, v.v… là loại rác thải đặc biệt nguy hiểm, có thể là mầm mống lây lan dịch bệnh. Những loại rác thải này không được phép để lọt ra ngoài.

Ông Quyết cũng cho rằng cá nhân nào bán những rác thải y tế như kim tiêm, lọ truyền dịch sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

D.Thu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thế Dũng – Người Lao Động

(http://nld.com.vn/phap-luat/chat-thai-y-te-bi-ban-trom-de-tai-che-200621.htm)

, ,